Tìm Hiểu Chi Tiết Về Vòng thái tuế chi phối mệnh
Phải công nhận từ lúc các diễn đàn KHHB “Xuất hiện” cho tới nay, số người coi Tử-vi “Amateur” đã lên rất cao và hiện tại cao trào nghiên cứu Tử-vi lan tràn khắp nơi. Chúng ta đã thấy có vài Hội Tử-Vi thành hình giữa các giới trẻ và đặc biệt hơn cả là những “tay” đam mê nhất lại là những “tay” khoa bảng. Họ đã cố tìm tòi, học hỏi nghiên cứu, để rút tỉa kinh nghiệm, mong tìm lại những gì đã mất mát, nói đúng hơn là đã thất truyền. Trong chiều hướng đó, có người lại cổ xúy phong trào Việt hóa và hệ thống hóa toàn diện khoa Tử-vi theo khoa học hiện đại.
Tìm Hiểu Chi Tiết Về Vòng thái tuế chi phối mệnh
Trước tiên, ta cần ghi nhận là Tử-vi được hình thành trong cơ cấu của Dịch Lý; qua hai động lực căn bản : âm Dương và Ngũ Hành. Do đó cần tìm về nguồn qua tương quan Lý Học, để từ đó có thể dò dẫm ra bước đường sáng tạo của cổ nhân
– Sau khi nguồn căn bản đã có, việc kế tiếp cần nêu lên cho chúng ta là phải giản dị hóa khi áp dụng một các trực tiếp từ Dịch Học sang khoa Tử-vi. Muốn vậy ta không thể quá lệ thuộc vào những câu Phú, để rồi nhiều khi mâu thuẫn nhau, vào những lối giải đoán qúa phức tạp. Nói một cách khác, chúng ta phải dựa vào các ngành học hiện đại vì chúng có tính cách khoa học hơn, để diễn đạt ngôn từ, sự việc hơn.
Hai giải pháp này đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một kiến trúc từ nền tảng theo từng điểm một. Đây không phải là một việc một sớm một chiều có thể vạch ra một lúc, mà phải là trong trường kỳ và liên tục. Nó cũng không phải là của một cá nhân, mà phải là sự hợp tác của nhiều khối óc, nhiều bàn tay. Một tiếng chuông đã đánh lên, cần nhiều tiếng chuông khác phụ lực để vun bồi cho khoa Tử-vi mỗi ngày một chính xác hơn trong tinh thần huyền bí của nó. Đạt được như vậy, chúng ta vẫn duy trì tính cách Triết-Lý Đông-Phương mà vẫn không kém phần gãy gọn khi phô diễn ngôn từ.
Đề cập tới vấn đề này, tức là kẻ viết bài này đã gián tiếp hướng về giải thích khoa Tử Vi theo một quan niệm trung dung nêu trên, gọi là một tiếng chuông tiếp nối công trình của các bậc đàn anh đã làm.
Trong phạm vi đề tài này, tôi xin khai triển tiếp nối kinh nghiệm của cụ Thiên Lương về vòng Thái-Tuế, dưới một nhãn quan dị biệt.
Một cách khách quan, chúng ta thử nhìn trên những dữ kiện thực tế, và những trường hợp thành bại điển hình quanh ta. Càng cụ thể hơn nữa chúng ta thu hẹp nhãn quan vào chính bản thân mình, gia đình mình. Chúng ta sẽ thấy những yếu tố cấu tạo sự thành bại, luôn luôn bao gồm trong mỗi tương quan tính tình, đưa đến một lối xử thế tế nhị khôn khéo hoặc lỗ mãng, bốc đồng. Và từ đó, dĩ nhiên là trong cuộc sống hằng ngày, sự chung đụng giữa những mối tương quan từng cá nhân trong xã hội, chưa kể liên hệ gia đình, từ bạn bè, người trên kẻ dưới, cho tới hoàn cảnh trở lực, hàng xóm … sẽ tạo ra biết bao hậu quả ít nhiều quan trọng đến đời sống của ta. Hẳn chúng ta cũng thấy nhiều người chỉ với ba tấc lưỡi Tô-Tần mà được cất nhắc lên tột bực, có người khác luôn luôn được bè bạn giúp đỡ. Ngược lại, có người lại bị đè ép không cho vươn lên, có người lại vô phúc hơn thường bị đàn em lường gạt hoặc qua mặt mình … Và trong phạm vi thu hẹp hơn là trong mái ấm gia đình, có người được sự đùm bọc, thương yêu, lại được anh em nể trọng, và ngược lại cũng có người phải hy sinh gánh vác việc trong gia đình.
Tất cả mối tương quan xã hội gia tộc đều xếp đặt một cách hợp lý qua các cung số quanh cung Mệnh. Từ nhỏ môi trường sinh hoạt còn đâu ngoài gia đình với cung Phụ Mẫu và cung Huynh Đệ (Bào) cho tới khi vào đời là chịu những mối tương quan phức tạp hơn được biểu tượng qua các cung số : Phối (Thê Thiếp hoặc Phu Quân), Nô Bộc, Thiên Di, Tử Tức … Những mối tương quan này được cô đọng trong một trạng thái từ Tĩnh cho đến Động; “Tĩnh” khi mang tính chất cá biệt của nội tâm người. Nhưng khi cá tính ấy bộc lộ qua hành động nó lại tạo ra một thế “Động” làm “Then chuyền” chuyển động những trạng thái của người xung quanh, ảnh hưởng đối với người ấy.
Chúng ta đã phác họa qua về sự quan trọng của tính tình học, thu gọn trong khoa Tâm Lý Học, trong mức sống cao thấp của một con người. Thực vậy, để diễn tả trong một phạm vi nêu trên cho linh động hơn, tiền nhân đã gán cho mỗi cá tính “một ông sao” tùy theo ý nghĩa của từ ngữ sao đó hoặc lối Ngũ Hành âm Dương, lối chiết tự. Mỗi “ông sao” thực ra là một dụng cụ phối trí của tương quan lý học, để diễn tả vị thế con người là một “Tiểu Thiên Địa” có đủ cơ cấu âm-Dương Ngũ Hành trong một vũ trụ bao la vô tận.
Vận mệnh Trời được được phối trí qua người Cha và người Mẹ để tạo nên cái TA, trong môi trường Gia tộc và Xã hội. Thành tố Gia tộc bao gồm thêm 3 yếu tố : Cha-Mẹ-TA, được biểu tượng qua Thiên Can, Địa Chi, và nạp âm Can, Chi ra bản Mệnh (TA). Thành tố xã hội rồi bao quát chi phối Mệnh qua trạng thái của cuộc đời, qua vai trò của Cục (tức cuộc, tức cuộc đời). Nắm được hai thành tố với 4 yếu tố trên qua sắc thái: Can tuổi, Chi tuổi, bản Mệnh và Cục là ta có thể giải đoán toàn bộ cuộc đời, có thể xuống tới các Đại-Hạn.
Trở lại vấn đề, ta thấy cha cho hình hài, mẹ nuôi dưỡng cưu mang lâu dài. Người cha, theo quan niệm xưa, đi tìm sinh kế lo no ấm cho gia đình (vì thế được biểu tượng qua vòng Thiên Can, tức vòng Lộc-Tồn). Trong khi ấy, người mẹ lãnh một vai trò “khiêm tốn” hơn đối với xã hội, nhưng trong gia đình người mẹ nổi bật lên, đôi lúc còn lấn át cả người cha. Đó trách nhiệm tinh thần, giáo huấn con cái, đào tạo cho thành người hữu dụng trong gia đình, trong xã hội. Tiền nhân ta cũng đã sớm ý thức các điều này và đã để lại nhiều câu tục ngữ nói lên thực trạng này:
Nào là : “Con không cha như nhà không nóc”;
Hoặc : “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Như vậy vai trò người cha, tượng trưng qua Thiên-Can mà căn bản là vòng Lộc-Tồn với ý nghĩa Phúc, Họa đi đôi với vật chất tiền tài. Đối nghịch là vai trò người mẹ qua Địa-Chi mà trọng tâm là vòng Thái-Tuế, mang cá tính của người con với các điểm liên hệ về tính tình, về tinh thần.
Tương quan tâm lý học được chứng giải qua vòng Thái-Tuế. Nhưng trong mối liên hệ này có những ràng buộc nào từ gia đình cho tới xã hội ? Một cách đại cương, chúng ta có thể vạch ra vài nét chính :
– Cung Bào và cung Phụ Mẫu: Là mối dây liên hệ huyết thống chặt chẽ đầu tiên của mọi người, mà ai cũng phải có từ nhỏ cho tới khi khôn lớn. Qua vị trí cố định lần lượt của 12 cung số thì Mệnh luôn được xếp ở giữa hai cung Bào và Phụ Mẫu, nói cách khác hai cung này giáp biên của Mệnh.
– Cung Nhị Hợp: Là lân phương là kế cận, hàng xóm của bản cung nói chung và của Mệnh nói riêng. ý nghĩa cung Nhị Hợp cũng không kém phần trọng yếu. Nó nói lên mặt trái của vấn đề. Nó là bên trong, là sự tiềm ẩn là cứu cánh của sự việc, là cái khuynh hướng (tendance) tiến đến sự việc liên hệ cung số Nhị-Hợp.
– Cung Tam Hợp: Là trạng thái vào đời, có gặp được may mắn không, tùy thế của chiều đi âm Dương hoặc tùy chiều sinh của hai cung Tam-Hợp so với bản cung. Để giản lược, ở đây trong Tam Hợp Mệnh, Tài, Quan, ta biết trạng thái thực tại của ta khi vào đời và được ưu đãi về phương diện nào: Tài hay Quan ?.
– Cung Chính Chiếu: Không nên quan niệm cung Chính Chiếu (Thiên Di) là đối phương của mình một cách đơn thuần như vậy; mà nên nới rộng phạm vi để quan niệm đó là hoàn cảnh gây nên cho mỗi số phần, nếu có thì mức độ trở ngại ấy có thể vượt qua hay không ?
Chúng ta sẽ lần lượt xét các mối tương quan xã hội, gia tộc qua sự phân tích ảnh hưởng của tâm lý vào cuộc đời với các dụng cụ sử dụng là các cung số :
Tương quan vòng Thái-Tuế qua cung Mệnh, cung Nhị Hợp và cung Xung chiếu.
Tương quan vòng Thái-Tuế qua cung Thân, cung Nhị Hợp và cung Xung chiếu.
Tam hợp Mệnh Tài Quan phối hợp qua vòng Thái-Tuế.
I/ TƯƠNG QUAN MỆNH, NHỊ HỢP, XUNG CHIẾU
Để bàn về phạm vi này, cần đề cập tới mối liên hệ biểu kiến và nội tại cũng như xét qua lại vòng Thái Tuế ứng dụng vào sự tìm hiểu mặt trái ở đời so với cung Nhị-Hợp, cung Chính chiếu. Ngoài ra để dễ áp dụng hơn, tôi xin đan cử vài thí dụ điển hình.
A- TíNH TìNH BIỂU KIẾN Và NỘI TẠI
Không phải ai cũng “ruột liền da”, “da liền ruột”, mà trái lại phần lớn chúng ta lại gặp nhiều hạng người như ruột gà. Nói rõ ra là, tính tình mà chúng ta nhận thấy ở họ qua sự biểu lộ hằng ngày, không hẳn là đích thực tình trạng bên trong của họ. Đó cũng là một hiện tượng ý nghĩ tương phản với lời nói. Hai trạng thái hướng ngoại biểu hay Biểu kiến (Apparence) và Nội Tại (Interieur), sẽ được phơi trần ra trước ánh sáng của Vòng Thái Tuế và cung Nhị Hợp, Chính chiếu. Nhờ vậy, cũng cùng một lời nói ta có thể phân biệt hai hạng người : “Khẩu Phật Tâm Xà” hoặc “Khẩu Xà Tâm Phật”.
1- Biểu kiến (Apparence)
Qua Vòng Thái Tuế ở cung Mệnh, cá tính một người hiện ra một cách ngoại biểu đối với người coi số cũng như trên thực tế mọi người cũng nhận ra cá tính thường nhật của người ấy. Ngoài ra, Vòng Thái Tuế còn có tác dụng mang lại thêm các dữ kiện mới khi nó phối hợp với cung chính chiếu. Thực vậy thế Tam-Hợp của bản cung khi so sánh với thế Tam-Hợp của đối cung, cho ta nhận rõ ra tinh thần một người có lạc quan hay bi quan trước cuộc sống, trước hoàn cảnh ở đời.
Trong bản số của Vua Quang Trung Đại Đế, Vòng Thái Tuế đã chứng giải tinh thần tự tôn của ngài tự coi mình có trách nhiệm “Thế Thiên Hành Đạo” đem lại an bình cho đất nước, đánh đuổi ngoại xâm (Thái Tuế đóng ở Mệnh). Ngoài ra thái độ dũng mãnh, xem thường đối phương cũng như bách chiến bách thắng của ngài cũng phần nào được biểu lộ qua thế Thủy của Tam Hợp Mệnh thắng thế Hỏa của Tam Hợp Thiên Di (Mệnh lập tại cung Thân thuộc Tam Hợp Thân Tý Thìn tức thế Thủy; Thiên Di ở Dần tức thế Hỏa do Tam Hợp Dần Ngọ Tuất).
2- Tính tình tiềm ẩn (Virtuel)
Sự ngoại biểu do vòng Thái Tuế, là nguồn căn cho mọi việc. Ở đây cung Nhị-Hợp cung Mệnh sẽ đóng vai trò tinh thần, dù là tiềm ẩn hay nội tại của tình trạng của vòng Thái Tuế ở Mệnh nó là nội tâm của một người, là nỗi lòng thầm kín là khuynh hướng về một mục tiêu nào. Không những chỉ ghi nhận điều trên, cung Nhị Hợp còn cho biết mức độ cũng như sự thiệt thòi, hy sinh hay sự được giúp đỡ, bị người khác hại. Và cũng do định luật Tam Hợp với thế Ngũ Hành giữa hai cung Mệnh và cung Nhị-Hợp mà dàn ra thế trận. Sinh xuất hay sinh nhập cung Mệnh, luôn luôn theo theo nguyên tắc “Mệnh vi chủ”, cung Mệnh luôn luôn là chủ, các cung khác nói chung và cung Nhị-Hợp nói riêng phải là khách. Do đó, Mệnh được sinh nhập mới được điều phúc lợi.
Thí dụ: Mệnh ở cung Tý có Quan Phù, thủ Mệnh, cung Nhị-Hợp là phụ-Mẫu ở cung Sửu. Ta thấy về phương diện nội tại hàng xóm, thân cận, đương số được cha mẹ bao bọc, cưng chiều, giúp đỡ. Do bởi căn nguyên là sự khôn ngoan, lời nói lễ phép dè dặt (đặc tính của Quan Phù) mà được hưởng phúc này.
Trong phần A này, tôi chỉ nói phớt qua khi đề cập thế Tam Hợp Mệnh và Di cũng như thế Tam Hợp Mệnh và Nhị Hợp, bởi vì cụ Thiên Lương đã giảng rõ về điểm này. Những điểm trọng yếu chính là sự ngoại biểu (biểu kiến) và nội tại (tiềm ẩn), chưa được ai đề cập tới, đó mới là mẫu chốt của phần A mà đã trình bày ở trên. Tiếp dưới đây vì khái niệm vòng Thái-Tuế chưa được khai triển rộng ra theo khoa Tâm Lý Học, nên tôi xin mạn phép được nêu ra, mặc dầu cụ Thiên Lương đã tiên phong nêu ra trong vấn đề này
B- VÒNG THÁI TUẾ Và TíNH TìNH MỖI Cá NHâN
Cần ghi rằng sao của vòng Thái-Tuế chỉ luận giải về phương diện tư tưởng ngay chính hay không, đối với cung Mệnh mà thôi. Còn ở các cung số khác, kể cả cung Thân. Đây là một điểm cần nhấn mạnh để khỏi lầm lẫn khi phân tích chiều sâu của một người. Theo thiển ý vòng Thái-Tuế cần phân tích ra hai trạng thái từ Tĩnh tới Động, Tĩnh trong Động, Động trong Tĩnh. Phương diện Tĩnh trạng tượng trưng cho tư tưởng, tính tình hoặc tinh thần qua vòng Thái-Tuế ở Mệnh. Động trạng là bình diện cần an bài đúng vị thế Thân là hành động. Do đó, theo kẻ viết bài này, vòng Thái-Tuế ở Mệnh nói lên riêng về tư tưởng (Tĩnh trạng chứa thế Tĩnh nguyên thủy) và trong nguyên lý dịch học thì Tĩnh mà Động, vì thế tư tưởng là Tĩnh thuần được diễn tả qua thế Động là lời nói, thái độ, hành động. Xin được sắp xếp 12 sao của vòng Thái-Tuế theo tiêu chuẩn vừa nêu:
1- Thái Tuế
Người có tư tưởng tự tôn, theo lý tưởng ngay chính, nghiêm nghị, tự cho mình cả Thiên Mệnh để thi hành. Do đó thường cảm thấy không ai xứng với mình về phương diện tư cách, hoài bão.
ý nghĩa trên phát xuất từ, từ ngữ “ngôi Thái-Tuế”, tượng trưng cho ngôi vua, là bậc cao cả, là Thiên Tử, là con Trời, thay Trời cai trị muôn dân. Vua ở xa dân, ngay cả quần Thần cũng vậy, vua cũng có lối sống riêng biệt do lễ nghi quan cách. Vì vậy người có Thái Tuế ở Mệnh, thường cảm thấy cô độc, ít kẻ tri kỷ tri bỉ.
2- Bạch Hổ
Tính tình có vẻ sắt đá, nóng nảy, gan lì với hậu thuẫn là phải chính nghĩa của mình. Người có Bạch Hổ tọa thủ tại Mệnh, thường dễ làm mất lòng người khác, vì “lời thật mất lòng”. Nhưng nếu miếu địa “Hổ khiếu Tây Phương” (Bạch Hổ ở Dậu) thì dù lời nói thẳng nhưng rất có uy tín, làm kẻ khác nể sợ.
3- Quan Phù
Tính chất Quan Phù ở Mệnh, mang lại cho người có nó, một sự khôn khéo, biết tiến thoái đúng thời, đúng lúc mà vẫn không mất tư cách ngay thẳng chính trực của mình. Đó mới là điểm khó khăn, ít người dung hòa được. Người có Quan Phù thủ Mệnh, rất giỏi lý luận, “biết người biết ta”; nên rất tế nhị, thích chinh phục người khác bằng tư tưởng chính phái của mình.
4- Thiếu Dương
Thiếu Dương là “Tùy tinh”, mang tính chất của sự biến dịch của Tứ Tượng, Bát Quái. Cho nên vị thế của nó rất đặc biệt, tuy sáng suốt nhưng là một thứ sáng suốt dễ sa chân vào hố sâu, cần có nghị lực của bậc siêu phàm mới sử dụng được nó.
Trước tiên nếu nó đồng cung hay chính chiếu với Hồng Loan, như các cụ Hoàng Hạc, Thiên Lương đã lập đi, lập lại nhiều lần trên Báo KHHB, tôi chỉ xin thu gọn lại, nó có đặc tính vị tha, quên mình, bỏ cái Ta đi để gánh vác việc đời (Xem lại lá số Đức Phật Thích Ca trong quyển Tử Vi Nghiệm Lý của cụ Thiên Lương đã bình giải).
Ngược lại, nếu nó đi với Đào Hoa thì trở nên vị kỷ, thường chỉ nghĩ đến mình, vì mình tất cả. Còn vị trí Thiếu Dương, Thiên Không ở Tứ Mộ thì phần lớn hay ít dở nhiều, tuy nhiên cũng có vài trường hợp ngoại lệ (sẽ đề cập trong một phần khác).
Tóm lại người mang cá tính của Thiếu Dương dù vị kỷ hay vị tha do ảnh hưởng của Đào, Hồng cũng là là người rất sáng suốt hơn người, thích được hơn người, vượt lên trên mọi người. Đặc tính này cũng không dành riêng cho ai, dù vị tha như Đức Phật, cũng là một ý chí muốn khác hẳn mọi người thế tục. Chẳng thế mà Ngài đã từng thốt ra câu : “Thiên Thượng Địa Hạ, vô ngã độc tôn” đấy ư !!!
5- Phúc Đức
Cũng nằm trong Thế Tam Hợp của Thiếu Dương, nên âm hưởng của sao này đem lại cho người mang nó một sự sáng suốt hơn người nhưng dù sao tính tình vẫn giữ chứ Đức làm đầu.
Người có sao Phúc-Đức là người thích vươn lên với đời, trong sự sòng phẳng tương quan đổi chác, song phương hưởng lợi, không bán cây sống, trồng cây chết.
6- Tử-Phù
Không như hai sao Thiếu-Dương, Phúc-Đức, vì thế sao Tử-Phù tuy cũng sáng suốt nhưng là thứ sáng suốt để lừa lọc người với tính tình ma mãnh, dám làm điều sai quấy nếu có dịp vì từ lời nói tư tưởng tới hành động đối với hạng người này cách nhau không xa.
7- Trực Phù
Do tính chất của Địa Chi, thế vòng Trực Phù này bị sinh xuất hoặc khắc xuất. Do đó nhóm Trực Phù, Long Đức, Thiếu âm là nhóm chịu nhiều thua thiệt ở đời (sẽ xin trình bày rõ hơn trong bài sử dụng 4 chữ: Can, Chi, Mệnh, cục), vì thế trong tương quan của thế Tam Hợp thì phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng riêng về vị thế Trực Phù thì cá biệt mà nói, người mang tư cách này thường trong công việc không được đãi ngộ tương xứng với khả năng của mình.
8- Long Đức
Tùy cùng chi phái với Trực Phù nhưng cũng như Phúc Đức, vị thế Long Đức còn chịu sự chi phối của nhóm Tứ Đức. Vì vậy, dù thua thiệt, người Long Đức thường hiền hậu, an phận không thích mạo hiểm bon chen, đôi lúc cũng thụ động quá mức mà đưa đến bi quan.
9- Thiếu âm
Là vị thế chót của vòng Trực Phù, nhưng cũng nằm trong chu trình tiến hóa của Dịch lý và tương phản với thế Thiếu Dương. Bởi vậy, người Thiếu âm thường bị thiệt thòi, do quan niệm chủ quan, lắm lúc tự lừa dối mình. Quá hiền hậu, hoặc hào phóng quá, dễ tin lời người khác nên trở nên khờ dại (đối nghịch với Thiếu Dương là sáng suốt).
10- Tang Môn
Có người cho rằng thế Tang Môn phải ghép đôi với thế Bạch Hổ và ngược lại, vì đó là cặp trong Lục Bại. Thực ra nếu luận theo lẽ biến dịch Ngũ Hành giữa 12 cung số với ý nghĩa của các cung Nhị Hợp, Tam Hợp, Chính Chiếu, hoặc Giáp cung thì sẽ không lạ gì có sự phân cách riêng biệt từng cặp sao, dù là một bộ. Chẳng hạn như bộ Tang-Hổ, bộ Song Hao, bộ Tướng-Binh, bộ Lưỡng Thế …. Cụ Thiên Lương đã giải thích rõ về vấn đề cung Thiên Di, không hẳn thuộc về mình mà tùy vị thế của nó. Đồng mà Dị là cụ Hoàng Hạc cũng quan niệm cung Thiên Di không là của mình, nhưng là hoàn cảnh, là sự xung xát, sự cọ nhau mà thành theo tương quan lý học. Là hậu sinh, nhưng kẻ này xin sẽ có bài nối tiếp về vấn đề này để có tầm áp dụng rõ hơn về âm Dương Ngũ Hành của Lý Học vào Tử Vi.
Trở lại vị thế Tam Hợp của vòng Tang Môn, Điếu Khách, Tuế Phá là vị thế đối nghịch hoàn toàn của Tam Hợp tuổi. Chính đây là một điểm xung sát mà tạo thành. Thời thế tạo Anh Hùng hoặc Anh Hùng gây dựng nên thời cuộc, là do sự biến ảo ở mấu chốt này.
Cá biệt về sao Tang Môn cho thấy người có sao này, thường gánh nhiều mối ưu tư, phiền toái, nhiều mối bận tâm (Xem lại số Khổng Tử mà KHHB đã đăng). Nếu diễn giảng ra theo lối suy luận, thì dù bất cứ việc lớn, việc nhỏ vì sự lo lắng của mình, người này không thích đùa giỡn cũng như không thích ai bỡn cợt với mình. Và trong tâm trạng “suy bụng ta ra bụng người đó” hay nói cho đúng hơn là trong tâm trạng “điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình không nên làm đối với người khác” người này trở nên tế nhị, dè dặt.
11- Điếu Khách
Khoác lên mình một gánh nặng chống đối mọi việc ở đời, người có Điếu Khách, thường thích đả kích người khác, thích tranh luận, bàn cãi, thích thuyết phục người khác. Vì thế mà nhiều sách đã không ngần ngại khi đem gán cho những người có sao Điếu Khách (Mã Khốc Khách) là sẽ làm nghề ngoại giao, môi giới, luật sư … cũng không ngại ngùng gì mà gán cho những Thẩm Phán, Luật Sư là những người có sao Quan Phù thủ Mệnh, Thân. Đành rằng sự gán ép này có những căn bản riêng của nó nhưng về nghề nghiệp là cả một sự phức tạp, còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố, không phải chỉ đơn thuần ở vòng sao Thái Tuế mà thôi.
12- Tuế Phá
Cũng tương tự đặc tính của Điếu Khách, nhưng ở đây người Tuế Phá là một nét dị biệt, một trạng thái của một sự đối lập, một sự chống đối, thích đi ngược người khác. Có thể làm những việc phi thường nếu được thêm vài yếu tố ở hành động (Thân).
C- VÀI VÍ DỤ ÁP DỤNG THỰC TẾ
1- Người có Bạch Hổ ở Mệnh, tại Dậu, Nhị Hợp là cung ách ở Thìn, Thiên Di ở cung Mão. Chỉ cần biết được vài yếu tố nhỏ như trên, chúng ta có thể phác họa ra bề mặt và bề sâu của tâm hồn một người. Như đã trình bày ở trên (qua hai yếu tố biểu kiến và nội tại mà ta gọi giản dị hơn là bề ngoài và bên trong tiềm ẩn) ta có thể lược giải khái quát về tánh tình của đương số như sau :
a- Bên trong: Người lúc nào trong lòng thường lo lắng nhiều về những bất trắc ở đời. Nhiều khi quá bận tâm về hậu quả của một việc mình làm dù việc này không có gì đáng để tâm. Mệnh sinh xuất cho ách về vấn đề Nhị Hợp này xin coi lại Kinh nghiệm cung Nhị Hợp của cụ Thiên Lương trong cuốn Tử Vi nghiệm lý. Người viết chỉ xin đề cập vài ý kiến mới chưa ai đề cập tới mà thôi.
b- Bên ngoài: Bề ngoài tính tình có vẻ sắt đá, nóng nảy, gan lì với hậu thuẫn là chính nghĩa, lẽ phải của mình, coi thường đối phương.
Tổng kết lại, dù bên trong có e dè nhưng khi giới hạn e dè đã bị vượt qua thì người này dám làm bất cứ việc gì, bất chấp hậu quả với niềm tin vào lẽ phải của mình, coi thường đối phương.
2- Mệnh có Tang Môn ở cung Tuất, Nhị Hợp là Nô Bộc ở cung Mão, Thiên Di ở cung Thìn thì sơ lược khát quát như sau :
a- Bên trong: Đương số thích được bạn bè hiểu mình, thích được người khác chiều chuộng mình, vị nể mình.
b- Bên ngoài: Mang tâm trạng tế nhị, người nặng mối lo, có nhiều mối bận tâm, không thích những trò đùa rắn mắc. Do đó đương số dễ mang nét ưu sầu trên gương mặt. Người bi quan trước cuộc sống, thường thấy mình dễ đầu hàng hoàn cảnh (thế Di lấn lướt thế Mệnh).
Những dòng ghi trên, đó chỉ là tạm thời vạch ra nét tương quan Mệnh, Nhị Hợp, Xung chiếu. Nhưng cần đề cập đến vai trò của THÂN trong sự sắp xếp vòng Thái Tuế. Đó là Phần II của bài này, mà tôi trình bày dưới đây.
II/ TƯƠNG QUAN THÂN, NHỊ HỢP, XUNG CHIẾU
Mối tương quan này cũng giống như Phần I, nhưng nếu xét kỹ thì có một điểm khác biệt duy nhất (mà ta đã xét khái lược ở trên) đó là : Vòng Thái-Tuế ở MỆNH chỉ tư tưởng tinh thần thì ngược lại ở THÂN nó chỉ về hành động vật chất.
Nội dung của Phần II, đã vạch sẵn. Như vậy ta có thể xét theo từng mục : hành vi biểu kiến và tiềm ẩn, mặt trái ở đời, những trường hợp điển hình.
A- HàNH ĐỘNG BIỂU KIẾN Và TIỀM ẨN
1- Hành vi tiềm ẩn
Ở đây phương cách lý luận cũng như Phần I, nhưng đổi vị thế lại một đằng là cung MỆNH và cung Nhị Hợp của nó thì đăng này là cung an THÂN và cung Nhị Hợp của nó. Một đằng khác là hành động tiềm ẩn tức là cứu cánh khác với phạm vi nội tâm. Cứu cánh sau cùng của hành vi là do cung Nhị Hợp sinh nhập hay sinh xuất với cung an THÂN và cung an THÂN phải được sinh nhập mới tốt. Cần ghi nhận vai trò cung số của Nhị Hợp ở Thân so với cung số của cung an Thân cần được phối hợp chặt chẽ với nhau (xem lại về cung Nhị Hợp của cụ Thiên Lương).
Thí dụ: Thân cư Quan Lộc ở Sửu có Điền Trạch, cung Nhị Hợp ở Tý. Thì hành động cứu cánh của đương số, chính thực là lo về nhà đất, hay nói bao quát hơn là lo việc nhà, việc gia đình.
2- Hành vi ngoại biểu
Cần phối hợp cung số mà THÂN cư với vị thế vòng Thái Tuế thì mới hiểu rõ hành động bên ngoài chịu ảnh hưởng điều gì và với đặc điểm gì. Trước tiên ta phải xét THÂN cư cung nào trong các cung số, MỆNH (THÂN, MỆNH đồng cung), Phúc, Quan, Di, Tài, Phối để từ đó ta có thể biết được hành động bên ngoài ảnh hưởng bởi vấn đề gì trong 6 cung nêu trên. Về điểm này không xa lạ gì các sách tử vi đều có nêu ra, tôi xin thông qua điểm này sau khi đã ra nguyên tắc ở trên.
Sau khi đã định vị trí cung an THÂN, ta mới so sánh với cung số Nhị Hợp xem sinh nhập hay sinh xuất cho cung an THÂN. Cần phân biệt rằng hành vi biểu kiến hay ngoại biểu là phương tiện, còn hành vi tiềm ẩn là cứu cánh. Có thể nói cho dễ hiểu là “cứu cánh biện minh cho phương tiện”.
Thí dụ: THÂN cư Quan Lộc ở cung Sửu có Thái Tuế, Nhị Hợp ở cung Tý là cung Điền-Trạch, Chính chiếu ở Mùi. Ta có thể phối hợp cả dữ kiện bên ngoài và bên trong để xét hành vi một người.
a- Bên ngoài: THÂN có Thái Tuế, Chính chiếu thuộc thế Mộc thua thế Tam Hợp của THÂN (thế Kim, vì Thân cư Quan Lộc ở Sửu trong tam hợp Tỵ Dậu Sửu). Do đó, hành động bề ngoài của đương số có vẻ tự đại, tự hào. Nếu có thêm những sao quá khích như Hỏa, Linh, Kình, Đà …. thì dễ biến ra kiêu căng, kênh kiệu bề ngoài. Khi bắt tay vào làm việc, đương số dễ dàng thắng hoàn cảnh, vượt qua trở ngại để đạt mục tiêu tiến tới cứu cánh.
b- Bên trong: Thế Tam Hợp của THÂN là Kim bị sinh nhập cho Thế Thủy ở Điền Trạch (cung Tý). Do đó đương số là người biết lo cho gia đình, chuyện nhà cửa.
Tổng kết lại ta có thể phối hợp như sau:
Người này hành động thường tỏ ra tự tôn, không có bạn tri kỷ, tri bỉ, thường hành động riêng một mình trong mọi vấn đề liên quan tới Quan Lộc, và thường gặp thắng lợi trong Khoa cử, hoạn lộ. Đó là phạm vi biểu kiến có vẻ háo danh (cố tìm phương tiện) nhưng tất cả chỉ nhằm tới hành động sau cùng (cứu cánh) là đem thịnh vượng cho việc nhà việc đất, việc gia đình mình.
B- VÒNG THÁI TUẾ Và HÀNH ĐỘNG MỖI CÁ NHâN
12 sao vòng Thái Tuế được ghi nhận ở cung an THÂN như là một thế Động. Động mà Tĩnh, ứng với nguyên lý âm Dương của Biến Dịch. Trong phần B số 1, tôi đã liệt kê vòng Thái Tuế trong trạng thái Tĩnh. Do đó trong phần này xin được miễn lập lại vì cũng gần như vậy. Do đó các bạn chỉ đổi từ ngữ lại là xong ngay trong phạm vi Động.
Thí dụ:
– MỆNH có Bạch Hổ thì “Tính tình” có vẻ sắt đá, nóng nảy … dễ làm mất lòng người khác …
Thì nay đổi lại là :
– THÂN có Bạch Hổ thì “Hành Động” có vẻ cứng rắn, dũng mãnh … đôi lúc hành động thiệt hại, làm sợ sệt cho người khác vì hành vi ngang tàng của mình…
C- VàI ÁP DỤNG THỰC TẾ
1- Thân có Tuế Phá ở Ngọ cư Quan Lộc, Nô Bộc ở Mùi, Phối cung ở Tý. Mệnh ở Dần có Tang Môn, Nhị Hợp là Tử Tức ở Hợi, Di ở Thân.
Ở trường hợp này ta phối hợp hai phần I và II lại để tổng luận:
Đương số là người hay lo lắng bất cứ việc gì nhưng trong thâm tâm rất thương yêu con cái. Ngoài ra đương số ở trong môi trường chống đối mới tạo lập được cuộc đời, với bản tính tế nhị, chăm sóc con cái mình cẩn thận, lúc nào cũng nghĩ tới đàn con dại (thì có thể là khôn lớn nhưng đối với đương số thì vẫn còn bé bỏng, cần được lo lắng nhiều). Nhưng bề ngoài đương số lại đối đầu với hoàn cảnh trong một thế yếu. Do đó đã hay lo, đương số mắc thêm một khuyết điểm là nhút nhát đầu hàng hoàn cảnh (cần ghi rõ rằng các thế Nhị Hợp, Chính chiếu, vòng Thái Tuế có thể bị suy giảm ý nghĩa do Tuần Triệt hoặc hung tinh … Nhưng dù thế nào ý nghĩa chính vẫn tựu trung bao gồm trong những điểm bao quát trên).
Đổi lại đối với đương số, là một dịp may “gỡ gạc”, khi Thân đương số lại ở Quan Lộc với Tuế Phá lại được Nô Bộc sinh nhập. Tuy rằng thế cung Phối có lấn lướt nhưng cũng giảm nhẹ phần nào. Thật vậy Mệnh, Thân cùng một phía, lý thuyết đi đôi với thực hành, còn gì tốt cho bằng ! Đương số khi bắt tay vào việc, do tính tình tế nhị của mình và hành động đả phá, tuy rằng không đạt đến tột đỉnh, hơi muộn màng nhưng cũng đã thành công trên đường đời. Sự thành công này bắt nguồn từ yếu tố bạn bè, người dưới giúp đỡ (Nô Bộc sinh nhập ờ cung Quan). Đây là một điều chứng giải quan niệm vòng Thái Tuế quan trọng nhất với cá tính, nhờ cá tính mà đi đến thành công.
2- Mệnh, Thân đồng cung tại Ngọ với Bạch Hổ, Nhị Hợp là Phụ Mẫu ở Mùi, Di ở Tý. (Lá số Hàn Tín_Hàn Tín: sinh ngày 5 tháng 11 năm Giáp Tuất, giờ Ngọ)
Đương số là người lời nói đi đôi với việc làm, có nhiều hoài bão to lớn, tính tình lỳ lợm, hành vi cũng không kém phần dũng cảm. Hành động “lòn trôn” trước một tên côn đồ ngoài chợ; đó là một hành động dũng cảm mà chỉ người trí dũng ôm ấp nhiều giấc mộng, đạp đất xé trời mới dám làm. Để từ đó tìm cơ hội cho thời cơ mà dựng nên nghiệp lớn, thái độ và hành động đầy chính nghĩa (dù là ôm ấp có đôi chút vị kỷ do sao Hóa Lộc thủ Mệnh hội cùng Đẩu Quân) đã được bậc đáng là mẹ hiền như bà Phiếu Mẫu hiểu thấu và tận tình bao bọc trong lúc cơ hàn (Được Phụ Mẫu Nhị hợp sinh Nhập cung Mệnh!). Tiếc thay trời đã dành cho Hàn Tín một tài ba hiếm có, mà lại xếp so với thế Thiên Di thua sút (thế Di thuộc Thủy khắc thế Mệnh thuộc Hỏa). Cho nên sinh ra đời là đã gặp hoàn cảnh lắm thử thách rồi, may là THÂN, MỆNH đồng cung mới đủ sức chống chọi để vươn lên với đời. Nhưng rồi chung cuộc vùng vẫy chí anh hùng cho lắm để rồi thất bại với hoàn cảnh (chết về tay bà Lã Hậu).
Vai trò vòng Thái Tuế đã được chiêm nghiệm qua MỆNH, THÂN nhưng cần ghi nhận lại cho kỹ trường hợp MỆNH, THÂN cùng nằm trong vòng Thái Tuế. Hay nói một cách khác MỆNH, THÂN đều nằm trong một thế Tam Hợp Mệnh-Tài-Quan.
III/ TAM HỢP MỆNH, TÀI, QUAN PHỐI HỢP QUA VÒNG THÁI TUẾ
Thế Tam Hợp luôn luôn đóng vị trí chủ yếu trong khoa Tử Vi, thực vậy, từ Tam Hợp kết hợp ra Ngũ cục: thủy, Mộc, Kim, Thổ, Hỏa cục, cho đến các vị trí Tiểu hạn san theo từng Tam Hợp tuổi. Và rõ rệt hơn cả, là thế Tam Hợp Mệnh, Tài, Quan là câu nói đầu tiên của người biết coi Tử Vi. Đó là một bình diện thực hành của yếu tố địa chi trong bốn yếu tố Can, Chi, Tuổi, Mệnh, Cục của hai thành tố Gia tộc và Xã hội, tôi sẽ xin viết rõ hơn trong một loạt bài khác về luật Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân của Dịch lý.
Trong lĩnh vực Tâm lý học với vòng Thái Tuế, vai trò Tam hợp cũng rất quan trọng, nó đã cho ta các vị thế để biết bề mặt bề trái của vấn đề. Ở đây Mệnh, Thân đồng vòng Thái Tuế tức đương nhiên ở thế Tam Hợp Mệnh-Tài-Quan. Sự kiện này đặt cho ta một vài dữ kiện phải giải quyết như trường hợp:
Thân-Mệnh đồng cung
Thân ở Tài hoặc Quan
A- THÂN MỆNH ĐỒNG CUNG
Tư tưởng cùng hành động đều nhập một, lời nói đi đôi với việc làm. Người Thân Mệnh đồng cung dù với vị thế nào của vòng Thái Tuế cũng vậy, luôn luôn tự tung tự tác, cố phấn đấu với hoàn cảnh. Vì vậy, vòng Thái Tuế trong trường hợp này có ý nghĩa:
Trời, qua cha cho hình hài để hồn nhập vào, mẹ cưu mang những nét đặc thù của mỗi cá nhân, đặt để ta trong môi trường nào; kể cả từ lúc mới sinh ra cho tới ngày xuôi đôi tay lìa đời.
Hành động tức cái TA lúc nào cũng đối kháng môi trường (hoàn cảnh) sẵn có củ Ta. Người quyết tâm chống lại hoàn cảnh dù bại hay thành.
Nếu thế Tam Hợp Mệnh Thân thắng thế Di thì mới hội nhập được sao tốt ở cung Di.
B- THÂN AN Ở TÀI HOẶC QUAN LỘC
Ở đây cũng cùng thế Tam Hợp về mệnh cũng như về vòng Thái Tuế. Có vị thế đặc biệt cần ghi lại: Nếu thế Tam Hợp Mệnh thua thế cung Di, thì thế Tam Hợp Mệnh hay Thân ở vị thế lấn lên hay chống đối thì mới đủ khả năng hành động vươn mình lên với đời.
Về các điểm này xem các thí dụ thượng dẫn đã nêu, và nên áp dụng một cách linh động trong tương quan biểu kiến và tiềm ẩn thì mới nắm được yếu quyết của vòng Thái Tuế.
Thực ra, quan niệm về vòng Thái Tuế qua các mối liên hệ giữa các cung số nói trên được dẫn giải bằng đường lối dung hòa hai quan niệm dùng Dịch Lý trở về nguồn khoa Tử-Vi và khoa học hóa cho dễ diễn đạt thích ứng vào đời sống hiện tại. Triết học hay bất cứ ngành khoa học nào cũng nhằm nêu lên sự hệ thống hóa toàn bộ cũng như cũng có tương quan nhân quả của nó và trong thời đại để được mang sắc thái văn minh, ai ai cũng thích đem danh từ Khoa Học vào để bài bác điều gì họ không thích. Khoa Tử vi cũng chịu chung số phận đó. Không phải vì Tử vi là một môn huyền hặc không có căn bản luân lý vững chắc. Chỉ vì nền văn minh Đông Phương quá cao, chuộng về Đạo, thiên về sự giác ngộ cá nhân, cũng như không có khuynh hướng đại chúng hóa như các ngành Khoa học hiện đại Tử vi có những định luật âm Dương Ngũ hành của Kinh Dịch, nhưng vì chưa được chứng giả đúng mức. Những định luật này không ai có thể bài bác được, vì mới đây Kinh Dịch đã đoạt giải Nobel. Đó là điểm son của sự phục hồi tính cách Khoa Học của nền Triết học Đông Phương. Như vậy, tại sao Tử Vi, một phân bộ trong Kinh Dịch, lại không được ưu đãi đó. Tại vì chúng ta hay tại vì những đàn anh chúng ta quá lơ là hoặc để giữ kín làm của gia bảo. Để rồi, hôm nay, người viết không ngại tài hèn kém cố gắng tìm về nguồn bằng những bước đi ngược lại dấu chân người xưa với âm Dương Ngũ hành, với sự phối hợp của nền Khoa Học mới. Mong rằng sẽ có nhiều bàn tay, khối óc đồng quan điểm (hoặc dù có quan niệm như thế nào) góp vào những suy tư của mình cho vườn hoa Tử Vi thêm rực rỡ.
Viết xong tại Sài Gòn ngày 06-12-1974
VI-NHẬT (H.Đ.T)
Tử Vi Việt Nam Sưu Tầm – Theo Tử Vi Lý Số
Bài viết liên quan
- Sao hạn là gì? Hướng dẫn Cách tính sao hạn CHÍNH XÁC NHẤT
- THÁI ĐỘ CỦA 14 CHÍNH TINH – TRONG CHUYỆN TÌNH CẢM
- Tìm hiểu về bộ sao Tuần Triệt trong tử vi
- Tìm hiểu và phân tích sáu sao Lục Bại tinh
- Bát tự Hà Lạc là gì? Tìm hiểu và các xem vận mệnh bằng Bát tự Hà Lạc?
- Bát tự huyền không là gì? Có phải là một bộ môn trong tử vi không?
- Bát tự ngũ hành là gì? Ứng dụng của ngũ hành như thế nào?
- Sự khác nhau Tứ trụ và Tử vi? Xem vận mệnh bằng bộ môn nào chính xác hơn?
- Bát tự là gì? Xem Tử Vi Theo Bát Tự Có Đúng Không?
- Tổng hợp kinh nghiệm xem lá số tử vi (Cự Vũ Tiên Sinh)