CÁCH CÚNG MỤ CHO TRẺ ĐƠN GIẢN
Hướng dẫn cách cúng mụ cho trẻ đơn giản, đầy đủ và đúng nhất. Cúng Mụ là phong tục cúng tạ ơn và cầu phúc tới các bà Mụ, những Tiên Nương theo quan niệm dân gian tương truyền phụ trách việc sinh nở và nặn ra những đứa trẻ.
Hướng dẫn cúng đầy tháng cho bé (cúng mụ) đơn giản và đúng nhất
Ông bà ta xưa quan niệm rằng đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà Chúa Đầu thai) hay còn gọi là 12 Bà Mụ nặn ra. Mỗi Mụ Bà sẽ có trách nhiệm nặn ra một bộ phận cho đứa trẻ như mắt, mũi, tay, chân, tóc… xấu hay đẹp cũng là do tay các Bà Mụ nặn.
Vì thế, khi đứa trẻ sinh ra, người ta sẽ làm lễ gọi là lễ cúng Mụ, nhằm tạ ơn Bà Mụ đã đem đứa trẻ đến nhà, giúp mẹ tròn con vuông và cũng là cái lễ để trình báo với mọi người rằng một thành viên mới sẽ gia nhập vào cộng đồng dân cư đó, mong mọi người sẽ cưu mang, che chở cho đứa bé.
Trong đó:
3 ngày gọi là "ĐẦY CỮ"
1 tháng gọi là "ĐẦY THÁNG"
100 ngày gọi là "ĐẦY TUỔI TÔI" (vì thai nhi 9 tháng trong bụng mẹ, cộng thêm "100 ngày đầu đời" - tương đương 3 tháng là tròn 1 năm tính từ lúc hài nhi hình thành trong bụng mẹ, dân ta hay gọi là tuổi âm lịch, hay "tuổi mụ").
Tròn 1 năm tuổi thì gọi là "THÔI NÔI".
Cách tính ngày cúng thôi nôi cho bé trai và bé gái
Mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ được ghi nhớ theo hai ngày âm và dương. Lịch cúng đầu tháng cho bé trai và gái theo cách tính truyền thống, được căn cứ vào lịch. Theo đó, nếu là bé gái sẽ lùi lại 2 ngày và nếu là bé trai sẽ lùi lại 1 ngày như cách ông bà xưa vẫn nói “gái lùi hai, trai lùi một. Lễ này được thực hiện vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn có một số cha mẹ thường căn cứ ngày sinh của con dựa trên lịch dương và lễ cúng đầy tháng là ngày trùng ngày sinh vào đúng tháng sau. Phương pháp này giúp các mẹ tính toán thời gian chuẩn lên để lên lịch trình trong cách nuôi con.
Với rất nhiều phụ huynh, việc tính ngày bé trai và bé gái để tổ chức cúng mụ (đầy tháng) cho các bé thật sự khó hiểu. Nguyên tắc "nam trồi 2, nữ sụt 1" là như thế nào? Có cách nào tính chuẩn & đơn giản hơn để gia đình tổ chức cúng đầy tháng cho bé đúng ngày không?
Đối với người làm cha, làm mẹ thì con cái chính là tài sản quý giá nhất, được nhìn con lớn lên, phát triển qua mỗi giai đoạn là niềm hạnh phúc không thể nào nói hết.
Chính vì vậy, đầy tháng không chỉ là nghi lễ quan trọng đầu tiên đối với em bé vừa chào đời mà còn là dấu mốc rất ý nghĩa với các bậc làm cha mẹ. Không chỉ được xem là tín ngưỡng lâu đời, đầy tháng còn là dịp để gia đình chia sẻ niềm vui với họ hàng và hàng xóm.
Nguyên tắc "nam trồi 2, nữ sụt 1" khi tính ngày cúng mụ, đầy tháng cho bé
Theo truyền thống của người Việt thì ngày đầy tháng của bé sẽ tính theo lịch âm chứ không dựa vào lịch dương. Bên cạnh đó nhiều nơi còn quan niệm tính ngày đầy tháng dựa vào giới tính của đứa trẻ theo nguyên tắc "nam trồi 2, nữ sụt 1". Cụ thể như sau.
Nếu là bé trai thì sẽ tính ngày đầy tháng trồi lên 2 ngày so với ngày sinh (theo Âm lịch). Ví dụ: Bé trai sinh ngày 18/3 Âm lịch thì trồi lên 2 ngày tức là sẽ làm đầy tháng cho bé vào ngày 20/3 Âm lịch.
Tương tự như vậy, nếu là bé gái thì tính ngày đầy tháng lùi lại 1 ngày tức là cùng ngày sinh 18/3 Âm lịch, lễ đầy tháng của bé gái sẽ được làm vào ngày 17/3 Âm lịch.
Ý nghĩa quy tắc tính ngày đầy tháng cho trẻ?
Cách tính ngày cúng đầy tháng “nam trồi 2, nữ sụt 1” này cũng mang những ý nghĩa tốt đẹp cho tương lai của bé.
Sở dĩ "nam trồi 2" là vì dân gian quan niệm rằng con trai phải luôn là người đi trước, đi tắt đón đầu, xông xáo, mạnh dạn tiến về phía trước thì mới dễ thành công.
Còn "nữ sụt 1" vì ông cha ta cho rằng con gái phải biết nhường nhịn thì gia đình mới êm ấm, phải biết khiêm tốn thì mới có được hạnh phúc.
Mặc dù quan điểm bình đẳng giới bây giờ đã khác xưa rất nhiều nhưng đây vẫn là những lời răn dạy không thừa mà người xưa muốn truyền đạt qua ý nghĩa của tập tục này. Vì vậy, nhiều gia đình ngày nay vẫn giữ cách tính ngày đầy tháng cho bé theo quy tắc trồi, sụt này.
Chọn giờ hoàng đạo để cúng đầy tháng cho trẻ
Các gia đình làm lễ cúng đầy tháng cho bé cũng nên chọn giờ hoàng đạo, tránh giờ kị với tuổi hoặc mệnh của em bé theo quan niệm Á Đông.
Ví dụ như bé tuổi Thân không nên cúng đầy tháng vào những giờ Dần, Tỵ, Hợi vì thuộc vào tứ hành xung, có thể sẽ không tốt cho đứa trẻ.
Sự khác biệt giữa lễ cúng đầy tháng cho bé trai và bé gái ?
Người Á Đông có quan niệm phân biệt nam nữ rất rõ ràng. Trong tất cả các nghi lễ cúng bái, không ít thì nhiều giữa nam nữ đều có điểm khác biệt.
Đối với lễ cúng đầy tháng cho bé gái, chè được dùng để cúng thường là chè trôi nước.
Cúng chè trôi nước trong lễ cúng đầy tháng cho bé gái hàm ý mong muốn con gái sau này dẻo dai nhưng ngọt ngào và thanh tao. Vị ngọt như những may mắn và an yên mà gia đình muốn con có được. Chè trôi nước tuy dễ làm dễ ăn, nhưng chính nhờ hương vị ngọt ngào khiến cho lòng người vương vấn mãi.
Cúng đầy tháng cho bé trai, gia đình phải cúng món chè đậu trắng.
Hạt đậu khi chưa nấu phải còn cứng, hạt tròn dài đều. Hạt đậu cứng cáp ấy chính là sự rắn rỏi của con trai, nhưng sau khi được “nấu chín”, trải qua nhiều thử thách để trưởng thành lại trở nên mềm dẻo. Vị ngọt của nước cốt dừa chan trên mặt bát chè đậu trắng như những lời chúc phúc ngọt ngào mà gia đình muốn gửi đến cho con trai
Danh sách tên của 12 bà mụ
Việc tên các bà mụ cũng có nhiều cách gọi khác nhau, tùy theo vùng miền, và mỗi bà mụ sẽ trông coi một công việc nhất định, để bảo hộ cho bào thai đến khi ra đời
1. Mụ bà Trần Tứ Nương, người coi sóc việc sinh nở
2. Mụ bà Vạn Tứ Nương, người coi việc thai nghén
3. Mụ bà Lâm Cửu Nương, người coi việc thụ thai
4. Mụ bà Lưu Thất Nương, người nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé.
5. Mụ bà Lâm Nhất Nương, người coi việc chăm sóc bào thai
6. Mụ bà Lý Đại Nương, người coi việc chuyển dạ
7. Mụ bà Hứa Đại Nương, người coi việc khai hoa nở nhụy
8. Mụ bà Cao Tứ Nương, người coi việc ở cữ
9. Mụ bà Tăng Ngũ Nương, người coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh
10. Mụ bà Mã Ngũ Nương, người coi việc ẵm bồng con trẻ
11. Mụ bà Trúc Ngũ Nương, người coi việc giữ trẻ
12. Mụ bà Nguyễn Tam Nương, người coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ.
Trong tín ngưỡng dân gian ở miền Bắc còn một bà Mụ, gọi là chúa mụ, cai quản, trông nom công việc của 12 bà mụ kia, như vậy khi làm lễ cúng Mụ, người ta sẽ phải sắm sửa 13 lễ.
Lễ vật cúng bà Mụ:
- 13 chén hoặc miếng chè nhỏ, nếu 1 đĩa thì cắt làm 13 miếng
- 13 đĩa xôi nhỏ, việc làm 13 đĩa xôi thì nhiều quá, và khi cúng xong thừa thãi, không dùng hết sẽ gây thêm nghiệp chướng, nên người ta chỉ nắm 13 nắm xôi nhỏ cũng được
- 13 chén cháo nhỏ
- 13 ly nước
- 2 đĩa bánh hỏi (các loại bánh dành cho trẻ con) xếp thành 13 phần
- Khoảng 2 kg thịt quay chia làm 13 đĩa, hoặc giò cũng cắt thành 13 phần....
- Ngoài ra tùy từng nơi, tùy từng nhà, có thể sắm thêm bánh đa, bỏng ngô, hoa, quả các loại.... Vv và vv...
Sắm lễ, đồ hàng mã cúng Mụ
- 12 đôi hài nhỏ +1 đôi hài to hơn, gọi là hài Chúa
- 12 bộ quần Áo +1 bộ to hơn ( bằng giấy màu)
- 1 cầu vàng đỏ.... Vàng 7 là được, không nhất thiết phải vàng 10
- Tiền vàng âm phủ thêm một ít, tùy từng nơi mà người ta có thêm cả lễ ĐỨC ÔNG nữa, nhưng đây chỉ là lề lối của từng vùng miền khác nhau mà thôi....
VĂN CÚNG MỤ
Sau khi bày lễ xong, bố hoặc mẹ sẽ thắp 3 nén hương, rồi bế trẻ ra trước án và khấn theo bài khấn cúng Mụ.
Bài khấn cúng Mụ, tùy địa phương, câu chữ có thể có dị bản, nhưng thường bắt đầu bằng việc kính cẩn xưng danh các bà Mụ, thần phật; ngày tháng cúng; tên 2 vợ chồng và tên đứa con là trung tâm của lễ cúng, nơi ở của gia đình; lý do cúng; bày tỏ lòng biết ơn công lao của các bà Mụ và cuối cùng là lời cầu mong các bà độ trì phù hộ.
Trời sinh có gái có trai
Âm Dương giá thú từ đời Phục hy
Chép ghi truyền để đời này
Nhân vì tín chủ ....( tên bố, mẹ) nên duyên vợ chồng
Kết nghĩa ăn ở với nhau
Sinh được ún tiểu, bấy lâu ở cùng
Mong cho khôn lớn làm giàu
Đặt tên là ....( tên em bé) ngày đầu thiên linh
Thành Tâm sắm sửa cỗ bàn
Lễ chay lễ mặn, của ngon những là
Trước mời Thánh Mẫu mụ bà
Sau mời bà mụ, sinh ra tiểu đồng
Mụ cả thời ở Tý cung
Hóa thành khí huyết, trong lòng thụ thai
Sửu cung là mụ thứ hai
Đào hoa kết tứ, tâm hoài mấy đông
Thứ ba là mụ cung Dần
Dùng làm khí tượng, như bình thổ tinh
Thứ tư Mão mụ hóa sinh
Bà mụ mới dựng lên hình chân tay
Thứ năm Thìn cung thủa này
Âm bà hóa phép lên ngay lần đầu
Thứ sáu Tỵ cung mụ bào
Ân trên mới dựng, trước sau vẹn tuyền
Tứ chi bát mạch đã yên
Thứ bảy bà mụ giữ gìn và công
Ân mụ khai nhãn nhĩ thông
Khai tỵ, khai khẩu cho thông những là
Dựng lên mao phái dần dà
Thứ tám bà mụ thực là Mùi cung
Dựng lên gan phổi tấm lòng
Nay cho ngũ tạng, bàng quang tâm thần
Thỉnh mời mụ ở Thân cung
Khôn cung Thánh Mẫu giữ gìn bào thai
Mụ cho sớm tối hôm mai
Hóa thành dòng máu, hình hài tiểu nhi
Thứ mười bà mụ phù trì
Dựng đủ cốt cách tứ chi cho mình
Dậu cung là mụ hóa sinh
Khai môn âm hộ tiểu nhi phái mình
Thất cung này ở Thiên Đình
Là thứ mười một hộ mình tiểu nhi
Mụ thứ mười hai thỉnh về
Ở cung phương Hợi cận kề tiểu nhi
Nói cười kết bạn đứng đi
Tứ chi niêm túc, những khi chơi bời
Mười hai bà mụ trên trời
Nghe thầy triệu thỉnh tức thời giáng lai
Lễ nhỏ xin chớ chê bai
Tâm thành dâng cúng mười hai mụ bà
Trừ tai, phù hộ dần dà
Bao nhiêu chướng ách tống ra Hải ngoài
Kim Ngân lễ vật trai bàn
Đăng trà quả thực mở mang mọi bề
Tâm thành, lễ bạc đừng chê
Bà mụ ra về ,độ tín chủ con....
Ún tiểu khôn lớn vuông tròn
Công danh thành đạt cảm ơn mụ bà....
Kết thúc lễ này mọi người trong gia đình, họ hàng ăn uống sum vầy và gửi những lời chúc tốt đẹp, may mắn, lì xì cho con trai để hoàn tất tiệc đầy tháng.
Ngoài ra một số nơi còn có nghi thức khai hoa còn gọi là “bắt miếng”. Đứa bé được đặt ngay trên bàn giữa hoặc nằm trong nôi bên cạnh bàn cúng, người cúng rót trà thấp hương xin phép bắt miếng.
Khi đó sẽ bồng đứa trẻ trên một tay, tay kia cầm một nhánh hoa quơ qua, quơ lại trên miệng bé và dạy những lời tốt đẹp như sau: “Mở miệng ra cho có bông, có hoa – Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ – Mở miệng ra cho có bạc, có tiền – Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến”.
Ngoài khác biệt trong cách chọn xôi chè trong lễ cúng và cách chọn ngày làm lễ theo quan niệm "nam trồi 2, nữ sụt 1" thì ý nghĩa và sự thiêng liêng của lễ cúng đầy tháng cho bé là như nhau. Đây chủ yếu là dịp để gia đình bày tỏ lòng thành kính, biết ơn với các Bà Mụ, Đức Ông đã mang đứa trẻ đến với thế gian và thông báo cho những người thân quen biết sự có mặt của một thành viên mới trong gia đình để nhận được sự chúc phúc, che chở từ mọi người.
Trên đây là những nghi thức cơ bản để làm lễ cúng đầy tháng bé trai. Tùy theo từng vùng miền, điều kiện kinh tế, thời gian, bạn có thể chọn cách cúng đầy tháng, đầy năm cho bé đơn giản hoặc cầu kỳ, phức tạp.
Bài viết liên quan
- Hôm nay đánh con gì đánh số mấy để may mắn
- Lá số tử vi của ngọc nữ Tăng Thanh Hà
- Cuộc đời Tướng Võ Nguyên Giáp theo góc nhìn chiêm tinh hoàng đạo
- Điểm danh 3 con giáp đổi vận giàu sang, tiền tài dư dả năm Nhâm Dần 2022
- Ngày Tam Nương năm 2022 là ngày nào? Bảng tra cứu ngày tam nương năm 2022
- Gãy đũa báo hiệu điềm gì? Gãy đũa Hên hay Xui?
- Nóng Tai Trái, Nóng Tai Phải Là Điềm Gì? Nóng Tai Hên Hay Xui
- Ngứa tai Trái & Ngứa Tai Phải Nam Nữ là điềm gì? Điềm báo tốt hay xấu
- Phân Biệt Charm vàng 3D và vàng 9999 như thế nào?
- MÁCH BẠN Ứng dụng Bát Quái không phải ai cũng biết